Truyền thông
MUỐN LÀM NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG, CON NGƯỜI PHẢI LÀ YẾU TỐ HẠT NHÂN.
18/11/2023
Việt Nam hiện nay trở thành một trong những nước xuất khẩu nông - lâm - thủy sản hàng đầu thế giới
Theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), phát triển bền vững là hướng đi mà nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, đang hướng tới. Trong bối cảnh toàn cầu đối diện với những thách thức từ biến đổi khí hậu đến bất bình đẳng, phát triển bền vững không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà còn đảm bảo lợi ích cho thế hệ tương lai.
Ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Nông nghiệp là trụ cột để đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời tạo nền tảng ổn định cuộc sống cho gần 60% dân số Việt Nam hiện đang sinh sống tại khu vực nông thôn. Phát triển nền nông nghiệp bền vững sẽ đảm bảo cơ hội phát triển cho các thế hệ tương lai, khả năng thích ứng và chống chịu biến động, hài hòa các yếu tố kinh tế với môi trường và xã hội.
Con người đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu này. Rõ ràng, một khi từng chủ thể của nền kinh tế trở nên “khỏe mạnh”, chất lượng đời sống người dân được cải thiện thì những khía cạnh khác như xã hội, môi trường cũng sẽ được nâng cao.
“Hạt nhân” của nông nghiệp bền vững
Trong một lần trao đổi với báo chí về các vấn đề của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tâm sự: “Khi xuống trò chuyện với nông dân, có những câu hỏi khiến tôi rất trăn trở: Nông dân mình rất giỏi, cần cù thông minh tại sao chưa giàu như nông dân Hàn Quốc, Thái Lan?”.
Câu hỏi của nông dân dành cho người đứng đầu ngành nông nghiệp không phải không có căn cứ. Thực tế, từ trước đến nay ngành nông nghiệp luôn được coi là trụ đỡ của nền kinh tế. Từ một nước kém phát triển về nông nghiệp, phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam hiện nay trở thành một trong những nước xuất khẩu nông - lâm - thủy sản hàng đầu thế giới.
Tốc độ tăng trưởng năm 2021 của ngành đạt 2,74% và đóng góp 23,54% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế. Năm 2022 giá trị toàn ngành tăng 3,36%, mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Kim ngạch xuất khẩu đạt 53,22 tỉ USD, thặng dư thương mại trên 8,5 tỉ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế.
Trái với con số tăng trưởng đầy tiềm năng của ngành, nông dân - thực thể quan trọng nhất, chi phối kết quả của toàn bộ hoạt động sản xuất nông nghiệp, hiện vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn về thu nhập và điều kiện sản xuất. Trên thực tế, nông dân là nhóm có thu nhập thấp nhất trong xã hội với tỉ lệ chưa bằng 1/3 thu nhập bình quân của nhóm lao động công nghiệp, dịch vụ. Tỉ lệ đói nghèo chủ yếu thuộc dân cư nông thôn. Hiện có trên 90% hộ nghèo của cả nước đang sống ở nông thôn, nhất là vùng dân tộc thiểu số và miền núi. So với các thành phần khác trong xã hội, nông dân vẫn là đối tượng yếu thế chịu nhiều rủi ro trong sản xuất và đời sống. Còn nếu so sánh với nông dân Hàn Quốc trong câu chuyện đầy trăn trở của Bộ trưởng thì con số còn cách xa hơn nữa. Với vị thế của một nước nông nghiệp, sở hữu những mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới, trong khi thu nhập của nông dân Hàn Quốc là 40.300 USD thì nông dân Việt Nam khiêm tốn ở mức chưa đến 2.000 USD (43 triệu đồng, cả 2 đều là số liệu năm 2020).
Những con số trên cho thấy, muốn phát triển một nền nông nghiệp bền vững, không thể bỏ qua yếu tố con người, đặc biệt là người nông dân trong chuỗi giá trị.
Thúc đẩy vai trò “hạt nhân” thông qua các chương trình nâng cao nguồn thu nhập cho người nông dân
Muốn giải quyết bài toán trung tâm của ngành, trước hết cần phải tháo gỡ những “điểm nghẽn” căn bản đang cản trở mục tiêu tiến đến một ngành nông nghiệp bền vững, khiến thu nhập người trồng lúa chưa được cải thiện một cách hiệu quả. Theo đó, doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt và thúc đẩy không thể thiếu trong chuỗi.
Theo báo cáo của các địa phương, chỉ khoảng 20% diện tích nông nghiệp nằm trong chuỗi liên kết ngành hàng và không phải chuỗi nào cũng bền vững. Vấn đề đặt ra là phải nâng cao tính bền vững của các chuỗi liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp, từ đó mới hóa giải được “lời nguyền” manh mún, nhỏ lẻ, tự phát (mượn lời Bộ trưởng Lê Minh Hoan), hay câu chuyên nông dân – doanh nghiệp bội tín lẫn nhau.
Tuy vậy, bức tranh nông nghiệp đang có nhiều gam màu sáng khi một số doanh nghiệp đầu ngành tham gia sâu và quyết liệt vào chuỗi giá trị với những giải pháp thiết thực và hiệu quả.
Nhận định về “điểm nghẽn” trong chuỗi giá trị lúa gạo hiện tại dẫn tới mục tiêu gia tăng thu nhập từ cây lúa chưa đạt hiệu quả kỳ vọng, đại diện Tập đoàn PAN chia sẻ: Mặc dù đóng vai trò trung tâm, người nông dân đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như kỹ thuật canh tác lúa gạo gặp nhiều thách thức với tỉ lệ gieo sạ chiếm đa số, nông dân còn phụ thuộc nhiều vào phân bón và thuốc BVTV mà chưa làm chủ được kỹ thuật sử dụng đúng. Ngoài ra, không thể không nói đến quy mô trồng lúa chưa thoát khỏi tình trạng nhỏ lẻ, tỉ lệ cơ giới hóa thấp, dẫn đến chi phí cao và ăn mòn lợi nhuận của nông dân. Chưa kể diện tích liên kết tiêu thụ còn thấp, tình trạng "bẻ kèo" giữa doanh nghiệp và người nông dân vẫn phổ biến.
Với mục tiêu nâng cao giá trị hạt gạo, cải thiện thu nhập cho người trồng lúa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, Tập đoàn PAN đã thực hiện nhiều chương trình hợp tác, hỗ trợ nông dân về kiến thức, kĩ năng, vật tư,…
Đơn cử, “Cánh đồng hội nhập” là chương trình trọng điểm và dài hạn trên cây lúa được Tập đoàn này thực hiện thông qua thành viên CTCP Khử trùng Việt Nam (VFC) từ năm 2012 (tiền thân là chương trình “Tiếp sức cùng nông dân”). Trải qua hơn 10 năm đồng hành cùng nông dân, chương trình đã thu được nhiều kết quả tích cực. Hơn 1.000 cuộc tập huấn chuyển giao kĩ thuật trên cánh đồng hội nhập theo mùa vụ được thực hiện hàng năm, tiếp cận trên 100.000 nông dân thông qua các chiến dịch theo từng giai đoạn sinh trưởng. Từ kết quả nghiên cứu với Viện Lúa ĐBSCL, quy trình sản xuất trên "Cánh đồng hội nhập” giúp năng suất và lợi nhuận đáng kể so với phương thức canh tác cũ. Cụ thể, lợi nhuận tăng thêm 25% tương đương ~14 triệu VND/ha, số lần phun thuốc BVTV giảm 2 lần, tổng chi phí giảm 10% và năng suất tăng 8% tương đương ~1.5 tấn/ ha.
Kết quả nổi bật từ quy trình sản xuất của "Cánh đồng hội nhập" mang lại những đóng góp thiết thực cho mục tiêu giảm phát thải, gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh.
Không chỉ tăng thu nhập người trồng lúa, mục tiêu phát triển kinh tế đạt được còn kèm theo các mục tiêu về môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Theo đó, quy trình sử dụng nước theo phương pháp ngập - khô xen kẽ được áp dụng để tiết kiệm, giúp giảm nguồn nước tưới. Giảm lượng giống gieo sạ, áp dụng quy trình bón phân phù hợp theo vùng sinh thái, áp dụng quy trình thuốc BVTV theo giai đoạn sinh trưởng giúp giảm phân hóa học, giảm số lần phun thuốc, từ đó tiến tới giảm phát thải khí.
Thông qua các thành viên trong các mảng nông nghiệp, thủy sản, hiện Tập đoàn PAN đang làm chủ chuỗi cung ứng với việc hợp tác cùng 220 đại lý, hợp tác xã, thương lái, hơn 36.000 hộ nông dân, trên diện tích gần 32.000 ha nuôi trồng, tạo sinh kế bền vững cho gần 10.000 lao động, trong đó 30% người lao động là dân tộc thiểu số.
Nhân rộng thành công của chương trình “Cánh đồng hội nhập”, Tập đoàn sẽ hợp tác với UBND tỉnh Đồng Tháp thực hiện đề án “Nâng cao thu nhập người trồng lúa”. Vẫn đặt nông dân là chủ thể trung tâm, đề án hướng tới mục tiêu thúc đẩy hiệu quả từng khâu trong chuỗi giá trị lúa gạo, tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất, nhằm nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.
PAN cho biết, với sự tham gia của các đơn vị thành viên trong mảng nông nghiệp – CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), CTCP Khử trùng Việt Nam (VFC) và Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice), đề án sẽ hỗ trợ nông dân địa phương tiếp cận các phương pháp thực hành nông nghiệp bền vững, tiêu chuẩn, từ đó hướng tới mục tiêu nâng cao thu nhập. Sự tham gia của Tập đoàn PAN với thế mạnh trong việc cung ứng các yếu tố đầu vào, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, bao tiêu sản phẩm, và kinh nghiệm xây dựng thương hiệu nông sản sẽ góp phần hoàn thiện chuỗi giá trị lúa gạo.
Cùng với đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" của Chính phủ, đề án tại Đồng Tháp sẽ hỗ trợ nông dân nâng cao kĩ thuật canh tác lúa, sử dụng giống bản quyền, phấn đấu giảm lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học trong sản xuất lúa, hỗ trợ kĩ thuật và tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho người nông dân tỉnh Đồng Tháp. Từ đó góp phần thực hiện mục tiêu tới năm 2030 sẽ nâng cao lợi nhuận cho người trồng lúa tại địa phương trên 50% tổng doanh thu, biên độ gia tăng lợi nhuận 50% so với hiện nay, tương đương 10.000 tỉ đồng.
Đề án cũng được kỳ vọng sẽ là mô hình tiêu biểu, có thể nhân rộng, mang lại lợi ích cho hàng triệu nông dân cả nước.
Ươm mầm đội ngũ nông dân tương lai
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022 cả nước có hơn 521.000 sinh viên nhập học ở 25 lĩnh vực đào tạo. Trong đó, chỉ có 7.100 sinh viên nhập học khối ngành nông lâm nghiệp, thuỷ sản, thú y - chiếm tỉ lệ 1,37%. Trong khi đó, báo cáo Ngân hàng thế giới 2019 cho thấy Việt Nam sẽ cần khoảng 40.000 kỹ sư trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản vào năm 2025. Điều này có nghĩa lực lượng nông dân đang suy giảm nghiêm trọng và chúng ta sẽ thiếu người làm nông trong tương lai không xa. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nông nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức phát triển liên quan đến công nghệ, năng suất, tính bền vững, cạnh tranh cao, đòi hỏi một lực lượng lao động không chỉ là nông dân truyền thống, mà là nông dân kỹ thuật cao.
Trong một buổi hội thảo về việc hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn do Bộ NN&PTNT chủ trì diễn ra hồi tháng 7/2023, Tập đoàn PAN đóng góp tham luận với giải pháp cho rằng cần có một bước đi đến gần hơn với sinh viên các khối trường nông nghiệp, giúp các em hiểu thêm về triển vọng nghề nông, đồng thời góp phần giải quyết bài nhân lực trong hiện tại.
Bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc Tập đoàn bày tỏ quan điểm: “Cần nhiều bước đi để nâng tầm nông nghiệp Việt Nam, trong đó, nâng cao nguồn nhân lực là yêu cầu quan trọng giúp ngành nông nghiệp theo kịp chuyển đổi số, công nghệ số.”
Không dừng lại ở một văn bản thỏa thuận hợp tác hay một suất học bổng dành cho sinh viên, PAN đã đề xuất một mô hình hợp tác định hướng dài hạn với các trường khối nông nghiệp với mục tiêu chú trọng phát triển nguồn lực con người. Theo đó, trường đại học và doanh nghiệp cùng thành lập các hội đồng cố vấn cung cấp thông tin chi tiết về xu hướng phát triển của ngành và đưa ra các khuyến nghị để phát triển chương trình giảng dạy. Bằng cách hợp tác cùng nhau, các trường đại học có thể khai thác chuyên môn và nguồn lực của ngành, trong khi các doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ những hiểu biết sâu sắc về học thuật và khả năng tiếp cận nhân tài.
Trên thực tế, Tập đoàn PAN đã ký kết văn bản thỏa thuận trao tặng gói học bổng trị giá 3 tỉ đồng cho 3 trường đại học, gồm Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Nông lâm Huế, và Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Ngoài việc hỗ trợ học bổng thu hút sinh viên tài năng, chương trình cũng hướng đến các hoạt động đào tạo định hướng và truyền cảm hứng đối với thế hệ tương lai ngành nông nghiệp như các cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp, đối thoại sinh viên, định hướng nghề nghiệp, cơ hội thực tập tại các công ty thành viên của Tập đoàn.
Chia sẻ về chương trình, bà Trà My cho biết thêm, bên cạnh cam kết trao học bổng cho sinh viên các trường, mục đích chính của tập đoàn là “đề xuất những giải pháp góp phần giải quyết bài toán khó của ngành, cùng nhau tạo ra thế hệ mai sau, cùng các bạn viết giấc mơ, khơi dậy ý tưởng sáng tạo, truyền cảm hứng để các bạn tự tin, bản lĩnh, sẵn sàng dấn thân trên hành trình (nông nghiệp) không đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa”.
Theo: Hoàng Kim - Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin liên quan
08/09/2020
19/11/2024