Truyền thông
Tổng giám đốc Tập đoàn PAN: Phải cùng lúc tăng thu nhập nông dân và giảm phát thải, mục tiêu phát triển bền vững mới được đảm bảo
23/11/2023
Nông dân là thực thể quan trọng nhất, chi phối kết quả của toàn bộ hoạt động sản xuất nông nghiệp nhưng lại là thành phần có thu nhập thấp nhất, dễ tổn thương nhất. Đây là thực tế gây nhiều trăn trở của chuỗi giá trị lúa gạo…
Ngày 19/11 tại Đồng Tháp, Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN và tỉnh Đồng Tháp đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm thực hiện đề án "Nâng cao thu nhập người trồng lúa". Đây là đề án quan trọng, được kỳ vọng chuyển đổi tư duy và thực hành sản xuất của nông dân về nông nghiệp nói chung và ngành lúa gạo nói riêng, đồng thời đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN đã có những chia sẻ xung quanh sự kiện.
Sự ra đời của đề án "Nâng cao thu nhập người trồng lúa" bắt nguồn như thế nào, thưa bà?
Có một thực tế mà chúng ta đã nói rất nhiều lần, nhưng cho đến nay vẫn chưa thể giải quyết được, đó là vấn đề thu nhập của nông dân. Trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, họ chính là thực thể quan trọng nhất, nhưng đây lại là nhóm có thu nhập thấp nhất trong xã hội với tỉ lệ chưa bằng 1/3 thu nhập bình quân của nhóm lao động công nghiệp, dịch vụ.
Cho đến giờ tôi vẫn suy nghĩ về câu hỏi của một bác nông dân dành cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cách đây mấy năm: Nông dân mình rất giỏi, cần cù thông minh tại sao chưa giàu như nông dân Hàn Quốc, Thái Lan?
Đúng vậy, Việt Nam luôn nằm trong top 3 các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới và nông nghiệp nhiều năm nay luôn được coi là ngành “trụ đỡ” của nền kinh tế, nhưng thu nhập trung bình của người làm nông chỉ khiêm tốn ở mức chưa đến 2.000 USD (43 triệu đồng), chưa bằng một nửa mức thu nhập trung bình cả nước. Nông dân của ta hiện vẫn đang chịu rất nhiều rủi ro trong sản xuất và đời sống.
Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc về một chiến lược hành động tổng thể nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân. Muốn phát triển một nền nông nghiệp bền vững, không thể bỏ qua yếu tố con người, đặc biệt là người nông dân trong chuỗi giá trị.
Đồng bằng sông Cửu Long lâu nay vẫn được coi là “vựa lúa” của cả nước. Nhưng như bà vừa chia sẻ, thu nhập của nông dân có vẻ chưa tương xứng với đóng góp của họ trong ngành. Theo bà, vì sao nông dân ĐBSCL bao năm nay vẫn ở trong cảnh thu nhập thấp và những tấm gương ‘tỷ phú nông dân’ vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay?
Có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, tôi có thể chỉ ra một số lý do chính.
Đầu tiên, kỹ thuật canh tác lúa gạo còn nhiều vấn đề, ví dụ thói quen canh tác truyền thống khiến nông dân nhiều nơi vẫn phụ thuộc vào phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học mà chưa làm chủ được kỹ thuật sử dụng đúng. Chính vì thế, khi giá nguyên liệu đầu vào tăng thì chi phí sản xuất lúa cũng tăng vọt, làm giảm lợi nhuận của người trồng lúa. Hoặc trong nghề nông có nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng-nồng độ, đúng cách, nhưng bà con nhiều khi tuân thủ chưa cao, rất khó nâng cao hiệu suất và chất lượng trong sản xuất lúa.
Bên cạnh đó, quy mô trồng lúa hiện nay chủ yếu nhỏ lẻ, tỉ lệ cơ giới hóa thấp, dẫn đến chi phí cao và ăn mòn lợi nhuận của người nông dân. Chưa kể, sau thu hoạch, nhiều nơi vẫn đốt rơm rạ và tỷ lệ tái sử dụng rơm rạ thấp.
Và quan trọng là diện tích liên kết tiêu thụ còn thấp, nhiều nơi tình trạng "bẻ kèo" giữa doanh nghiệp và người nông dân vẫn phổ biến. Nếu chúng ta không xây dựng được chuỗi giá trị bền vững từ đầu vào đến đầu ra, trong đó liên kết chặt chẽ tất cả các thành phần tham gia thì chúng ta chưa thể có một nền nông nghiệp bền vững. Chỉ khi đó thu nhập của nông dân mới được đảm bảo.
Bà vừa nói đến “chuỗi liên kết lúa gạo”. Đây là một trong những bài toán khó của ngành nông nghiệp thời gian vừa qua. Thực tế đã có 1 số mô hình mà doanh nghiệp và nông dân cùng tham gia vào chuỗi sản xuất trong đó nông dân đảm nhiệm khâu sản xuất, doanh nghiệp cam kết bao tiêu đầu ra. Đề án của Tập đoàn PAN có gì khác?
Điểm khác biệt của PAN là chúng tôi không chỉ thu mua sản phẩm cuối cùng mà hướng đến việc cung cấp gói giải pháp nông nghiệp hoàn chỉnh và bền vững từ đầu vào đến đầu ra. Bà con sẽ được cung cấp nguồn giống chất lượng có bản quyền, hướng dẫn canh tác theo quy trình và kỹ thuật tiêu chuẩn, tiếp cận các giải pháp phòng trừ sâu bệnh, kiểm soát dịch hại, thậm chí cả việc sử dụng phân bón có sự tham gia của đối tác uy tín. Đặc biệt, Tập đoàn có chính sách hỗ trợ bao tiêu và xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật canh tác và đạt tiêu chuẩn chất lượng tại các khu vực chúng tôi triển khai.
Tập đoàn PAN sẽ cùng với tỉnh Đồng Tháp xây dựng một mô hình chuỗi giá trị khép kín với trọng tâm là những giải pháp nông nghiệp bền vững. Các giải pháp này hướng đến việc tiết giảm chi phí đầu vào trong khi tăng năng suất và chất lượng tối đa, từ đó chúng tôi kỳ vọng sẽ đạt được 2 mục tiêu quan trọng là giảm phát thải khí nhà kính trong ngành nông nghiệp, và đặc biệt là nâng cao thu nhập cho bà con. Nông dân phải có lợi thì mục tiêu phát triển bền vững mới đảm bảo đạt hiệu quả. Đó mới là ý nghĩa thực sự của đề án.
Nói vậy nghĩa là PAN sẽ thu mua nông sản với giá cao hơn thị trường để nâng cao thu nhập cho nông dân?
Liên quan đến chuỗi giá trị lúa gạo, chúng ta có nhiều thành phần cùng tham gia như nông dân, doanh nghiệp, nhà máy xay xát, thương lái, cuối cùng là người tiêu dùng. Nếu tất cả các khâu đầu vào đều nâng giá thì người tiêu dùng chính là đối tượng chịu thiệt thòi nhất trong chuỗi. Hơn nữa, việc nâng giá hay ấn định giá thu mua sẽ tác động đến sự phát triển lành mạnh của thị trường.
Trong khi đó, chúng ta có nhiều cách để nâng cao thu nhập cho nông dân. Quan điểm của PAN là phải chọn giải pháp đồng bộ và bền vững để tất cả các bên tham gia chuỗi cùng có lợi chứ không mặc định rằng nâng cao thu nhập nghĩa là bà con sẽ bán sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường. Đích đến cuối cùng của đề án này không phải ở việc thu mua nông sản với giá cao, mà chúng ta phải xác định đây là tham gia chuỗi sản xuất xanh để cùng phát triển nền nông nghiệp bền vững, bao gồm cả việc tạo lập thị trường lành mạnh.
Các giải pháp của đề án hướng đến việc tiết giảm chi phí đầu vào, trong khi tăng năng suất và chất lượng tối đa, qua đó đảm bảo việc nâng cao thu nhập cho bà con.
Ở các khâu sản xuất, bà con chỉ cần thực hiện đúng quy trình kỹ thuật là có thể tiết kiệm chi phí. Ví dụ cấy chỉ bón 1 lần, sạ bón 2 lần thay vì 3-4 lần đã là tiết kiệm công lao động, phân bón, kết hợp với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng lúc, đúng liều lượng để đạt hiệu quả cao nhất. Việc giảm lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học sẽ giúp đề án đạt được đa mục tiêu, không chỉ giúp nâng cao thu nhập người trồng lúa mà sẽ góp phần quan trọng vào việc giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp vốn đang chiếm tỉ lệ rất cao trong tổng lượng phát thải chung.
Bằng cách nào đề án có thể giúp giảm phát thải khí nhà kính thưa bà?
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, sản xuất lúa gạo hiện chiếm 48% lượng phát thải khí nhà kính và hơn 75% lượng khí thải metan của ngành nông nghiệp. Nông nghiệp chỉ xếp sau ngành năng lượng và giao thông vận tải về lượng phát thải khí nhà kính ra môi trường, góp phần không nhỏ vào việc gia tăng tốc độ biến đổi khí hậu.
Có nhiều nguyên nhân làm tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa như mật độ gieo sạ cao, sử dụng nhiều phân bón hóa học, khâu sau thu hoạch chưa được quản lý đúng cách.
Đề án sẽ hướng dẫn bà con áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác, giảm lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học là những tác nhân hàng đầu gây tăng phát thải. Từ đó sẽ góp phần rất quan trọng vào việc giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa gạo. Đây cũng là mục tiêu trọng tâm trong lộ trình Net Zero mà PAN đang xây dựng.
Có thể thấy đây là một đề án đa mục tiêu. Vì sao PAN có thể làm được điều đó thưa bà?
Tập đoàn PAN tham gia với toàn bộ nguồn lực chất lượng cao nhất trong mảng nông nghiệp của mình, là những đơn vị hàng đầu về mảng giống, lương thực, và bảo vệ thực vật như CTCP Khử trùng Việt Nam (VFC), CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam (Vinarice). Bên cạnh đó chúng tôi có đội ngũ nhà khoa học là các chuyên gia đầu ngành nông nghiệp hiện nay.
PAN sẽ phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp bộ giải pháp đồng bộ như đã nói ở trên. Căn cứ vào quy hoạch vùng, nhu cầu thị trường, các hợp tác xã hoặc tổ hợp tác trong Đề án, Tập đoàn sẽ xây dựng các kế hoạch liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm đảm bảo theo đúng mục tiêu, tiêu chí của Đề án.
Theo đó, PAN hỗ trợ việc xây dựng cơ cấu giống phù hợp cho từng vùng và tiểu vùng sinh thái, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; xây dựng cơ cấu thời vụ sản xuất lúa theo hướng luân phiên; cung cấp đầu vào và các giải pháp nông nghiệp chất lượng cao; và cuối cùng đảm bảo bao tiêu đầu ra cho dự án.
Ngoài ra Tập đoàn sẽ chủ động mời các đối tác hàng đầu trong lĩnh vực phân bón, nông nghiệp công nghệ cao… tham gia hợp tác cùng trong phạm vi Đề án.
Nếu thành công, đề án này sẽ tạo ra điều gì, thưa bà?
Mục tiêu của Đề án là tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp (Tập đoàn PAN cùng các đơn vị thành viên và đối tác) thông qua các giải pháp nông nghiệp bền vững. Nếu thành công, sẽ hình thành và phát triển chuỗi giá trị lúa gạo khép kín, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao thu nhập người trồng lúa.
Đề án cũng có những mục tiêu định lượng rất cụ thể đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030.
Ở giai đoạn 1 (đến năm 2025), lợi nhuận cho người trồng lúa sẽ tăng lên trên 30% tổng doanh thu, tương đương 3.600 tỷ đồng. Diện tích gieo trồng lúa đảm bảo tăng lợi nhuận là 240.000 ha/tổng 470.940 ha (chiếm 50% diện tích gieo trồng/năm). Giảm sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong sản xuất lúa từ 30% trở lên so với năm 2020. Rơm rạ được thu gom, tái sử dụng, chế biến đạt trên 80% doanh thu thu hoạch.
Đó là những mục tiêu thể hiện bằng số liệu cụ thể chứ không phải là những gạch đầu dòng trên văn bản, và chúng tôi sẽ nỗ lực để thực hiện được điều đó.
Cảm ơn bà về những chia sẻ này!
NGUỒN: TẠP CHÍ KINH TẾ VIỆT NAM