Truyền thông
ĐỒNG THÁP GẶT HÁI 'QUẢ NGỌT' TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP
11/11/2024
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, năm 2014, Đồng Tháp tiên phong triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNNN) nhằm nâng cao đời sống người dân và phát triển nông nghiệp bền vững. Sau 10 năm thực hiện, đề án đã góp phần thay đổi tư duy người nông dân từ "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp". Nông dân không còn chạy theo số lượng mà chú ý nâng cao chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để giảm chi phí, tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích, tăng sản phẩm chế biến.
Sau 10 năm triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp đã gặt hái nhiều kết quả ấn tượng, đời sống người dân được nâng cao.
Đến nay, cơ cấu sản xuất nông nghiệp của Đồng Tháp chuyển dịch theo hướng sản xuất gắn kết với thị trường tiêu thụ; hình thành nhiều hình thức liên kết cung ứng, bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông dân và liên kết ngang giữa nông dân với các HTX nông nghiệp. Người dân đã nâng cao ý thức tự lực, hợp tác trong cộng đồng, chủ động ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất thông qua các mô hình sáng tạo như: "Hội quán nông dân", "Ruộng nhà mình", "Du lịch cộng đồng", "Cây xoài nhà tôi", "Canh tác lúa thông minh"… Ngoài ra, các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như: lúa gạo, cá tra, xoài, sen, hoa kiểng... được tổ chức lại theo đúng định hướng, kết nối chuỗi giá trị, gắn kết hạ tầng sản xuất với ứng dụng công nghệ cao.
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, việc thực hiện Đề án TCCNNN gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), từng bước chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực khác, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn. Đến giữa năm 2024, Đồng Tháp có 100% xã đạt chuẩn NTM, 8/12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện NTM.
Từ việc thực hiện đề án đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả với nhiều tấm gương nông dân điển hình sản xuất kinh doanh giỏi. Điển hình như ông Nguyễn Văn Bé Hai (68 tuổi, ngụ xã Tân Bình, H.Châu Thành). Từ 1 ha đất cha mẹ cho ban đầu, đến nay, ông Hai sở hữu 9 ha đất trồng lúa giống và trồng mít, mỗi năm thu nhập nhiều tỉ đồng. Ngoài ra, ông còn đóng góp kinh phí và vận động bắc gần 300 cây cầu bê tông nông thôn, góp phần giúp giao thông nông thôn phát triển. Ông Hai là một trong 100 cá nhân được vinh danh "Nông dân xuất sắc Việt Nam năm 2023".
Hiện, Đồng Tháp có 333 doanh nghiệp chế biến nông sản. Trong đó có 49 doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông sản chế biến giai đoạn 2021-2024 ước đạt trên 4,9 tỉ USD. Hàng hóa nông sản của Đồng Tháp đã có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó có một số thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… Gạo và thủy sản đông lạnh là 2 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu và chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm: "Đề án TCCNNN giai đoạn 2021 - 2025 đã đạt nhiều kết quả, thúc đẩy sản xuất đúng theo định hướng và góp phần giúp nông nghiệp, nông thôn phát triển. Từ kết quả đạt được, tỉnh sẽ tổng kết để đúc kết kinh nghiệm và sẽ tiếp tục nâng tầm hơn bằng Đề án xây dựng tỉnh Đồng Tháp tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông dân hiện đại, nông dân văn minh trong thời gian tới".
Nguồn: Trần Ngọc/Báo Thanh Niên
#NongnghiepDongThap #Vinarice #Taicocaunganhnongnghiep
VINARICE ĐỒNG HÀNH CÙNG NÔNG NGHIỆP VIỆT
-----------------------------------------------
CÔNG TY TNHH LÚA GẠO VIỆT NAM - VINARICE
(A MEMBER OF VINASEED GROUP)
Địa chỉ: Cụm Công nghiệp Trường Xuân, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp
Số điện thoại: 0277.651.8888 - 0985.226.456
Website: http://vinarice.vn
Facebook: Công ty TNHH Lúa Gạo Việt Nam - VINARICE
Youtube: VINARICE