Truyền thông
Đề xuất thành lập Liên đoàn Lúa gạo vùng ĐBSCL
09/12/2024
ĐBSCL là vùng trọng điểm trong sản xuất nông nghiệp của cả nước. Mỗi năm, toàn vùng sản suất từ 1,4 - 1,6 triệu tấn cá tra, 24 - 25 triệu tấn lúa và 5,3 - 5,5 triệu tấn trái cây. Chỉ riêng lúa gạo, sản lượng lúa của vùng chiếm trên 50% sản lượng của cả nước, 90% lượng gạo xuất khẩu của quốc gia.
Hội thảo đã đi đến thống nhất quan điểm, thành lập Liên đoàn Lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long là việc làm cần thiết
Điểm nghẽn
Thành tựu là vậy, nhưng ngành hàng lúa gạo hiện vẫn còn tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn cần khắc phục, tháo gỡ để hướng tới sự phát triển bền vững, hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. “Thu nhập của người nông dân trồng lúa còn thấp. Nguyên nhân do quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, dẫn đến chất lượng gạo không đồng đều. Tính liên kết, liên doanh, hợp tác trong sản xuất còn lỏng lẻo, chưa theo chuỗi giá trị hoặc hình thức liên đoàn. Đây là những điểm nghẽn, hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới” - ông Trần Văn Cứng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh khẳng định.
Gia đình ông Nguyễn Văn Khương (xã Phú Vĩnh, TX. Tân Châu) mấy năm nay gặp nhiều khó khăn. Gia đình có 4 thành viên, đứa con lớn đang học năm thứ 3, Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn (TP. Hồ Chí Minh), đứa con nhỏ học lớp 10 tại quê nhà. Nhà có 5 công ruộng, nhưng gia đình không đủ sống. Ngoài công việc đồng án, vợ ông Khương phải đi giúp việc nhà để có thêm 3,5 - 4 triệu đồng/tháng trang trải cuộc sống.
“Làm ăn riêng lẻ, cá thể, khi mua vật tư sản xuất phải mua giá cao. Thu hoạch lúa, tôi lại khá vất vả trong việc đi tìm cò, lái để bán. Nói chung, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, cá thể sẽ gặp khó trong bối cảnh kinh tế thị trường” - ông Khương khẳng định. Không chỉ vậy, nông dân thiếu vốn, phải vay với lãi suất cao, việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng cũng gặp nhiều khó khăn. “Nếu sản xuất theo mô hình “Cánh đồng không dấu chân”, ruộng nhà tôi ít nhất cũng phải từ 1 héc-ta trở lên. Thế nhưng, nhà tôi chỉ có 5 công đất nên rất khó áp dụng…” - ông Khương trăn trở.
Vai trò
HTX nông nghiệp ở ĐBSCL đóng vai trò chủ đạo trong cung ứng 80 - 90% sản lượng lúa gạo xuất khẩu. Hiện nay, toàn vùng có 3.256 HTX, trong đó có 2.888 HTX nông nghiệp, 818 HTX phi nông nghiệp; có 22 Liên hiệp HTX và 19.832 tổ hợp tác, thu hút 549.946 thành viên và 193.764 người lao động. Hầu hết các HTX của vùng đang trong xu hướng phát triển mạnh mẽ, thích ứng nhanh chóng với cơ chế thị trường. Các HTX đang tích cực trong nâng cao năng lực, đầu tư mở rộng nguồn vốn, đổi mới hệ thống quản trị gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các phần mềm quản lý (kế toán, quản lý sản xuất của các thành viên) để ngày càng nâng cao hiệu quả. Đây là tiền đề quan trọng để tiến tới thành lập Liên đoàn lúa gạo vùng ĐBSCL.
“Thành lập liên đoàn là phù hợp xu hướng chung của thế giới. Tổ chức này được tổ chức theo ngành dọc, vừa đại diện cho thành viên, vừa là tổ chức kinh tế (có tư cách pháp nhân độc lập và tiến hành trực tiếp điều phối hoạt động của các HTX thành viên), thực hiện các hoạt động kinh tế riêng, điều phối chuỗi cung ứng phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh của các HTX thành viên. Việc thành lập Liên đoàn Lúa gạo vùng ĐBSCL trong lúc này là phù hợp” - TS Đào Thanh Hoàng, nguyên Phó Trưởng Cơ quan Thường trực Liên minh HTX Việt Nam phía Nam (hiện là Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh An Giang) khẳng định.
Tháo gỡ
Theo TS Đào Thanh Hoàng, khi ĐBSCL thành lập liên đoàn lúa gạo sẽ khắc phục được những điểm nghẽn trong sản xuất - kinh doanh lúa gạo. Đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ trong phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt đối với các HTX, như: Đề xuất các chính sách để bảo vệ quyền lợi của các thành viên, chương trình, dự án liên quan đến phát triển kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực lúa gạo; tích cực tham gia vào các hoạt động quan hệ cộng đồng, nhằm chia sẻ vai trò, vị trí của HTX lúa gạo trong phát triển kinh tế tập thể và ngành lúa gạo.
Tổ chức sản xuất quy mô lớn, đồng bộ về vùng nguyên liệu, đồng thời tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát triển mối liên kết ngang dọc trong chuỗi giá trị của ngành hàng lúa gạo gắn với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao giảm phát thải vùng ĐBSCL. Tư vấn hỗ trợ, hỗ trợ đầu tư từ các doanh nghiệp liên kết, hướng dẫn các HTX, Liên hiệp HTX cung ứng các dịch vụ nhằm phát triển hợp tác, liên kết, mở rộng lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, đổi mới phương thức sản xuất, đẩy mạnh xây dựng mạng lưới lưu thông hàng hóa, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm ở trong nước và xuất khẩu… Do đó, việc thành lập Liên đoàn Lúa gạo vùng ĐBSCL là việc làm cần thiết nhằm phát huy vai trò của các HTX nông nghiệp chuyên sản xuất lúa gạo, tháo gỡ những điểm nghẽn trong sản xuất, đề ra giải pháp phù hợp cho sự phát triển mang tính ổn định, bền vững.
“Mục đích thành lập Liên đoàn Lúa gạo vùng ĐBSCL để hoàn thiện chuỗi giá trị lúa gạo, liên kết sản xuất, hướng tới sản xuất lớn. Trên cơ sở đó, tiến hành các biện pháp “giảm thuốc, giảm phân”, sản xuất với quy mô lớn, đồng bộ ở tất cả các khâu, truy xuất được nguồn gốc, quy hoạch vùng trồng, chế biến sâu để giảm được giá thành, nâng chất lượng, bán được giá cao” - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Trần Văn Cứng chia sẻ. |
THEO MINH HIỂN - BÁO AN GIANG ONLINE