Tin Vinarice
ĐỀ ÁN 1 TRIỆU HA LÚA GÓC NHÌN TỪ MỘT DOANH NGHIỆP KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
11/12/2023
Thương hiệu lúa gạo Việt Nam được xây dựng từ chất lượng với nền tảng khoa học công nghệ và sâu xa hơn là sự đầu tư đúng mức và cơ chế thông thoáng.
Ngày 27/11, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.
Đây được xem là sự kiện quan trọng của ngành lúa gạo Việt Nam, được nhiều doanh nghiệp, hiệp hội và địa phương trông đợi. Trong đó, Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam - Vinaseed, một doanh nghiệp khoa học công nghệ đã có những sự chuẩn bị nhất định để có thể tham gia vào đề án sớm và hiệu quả.
Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam sau sự kiện này, bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Vinaseed nói, đây là cú hích lớn về mặt định hướng để thay đổi phương thức tổ chức sản xuất của ngành lúa gạo Việt Nam, định vị lại hình ảnh lúa gạo Việt Nam.
Tuy nhiên, để thực hiện thành công đề án này, khoa học công nghệ và tri thức hóa người trồng lúa là yếu tố cực kỳ quan trọng và để khai mở được sức mạnh này cần phải có sự thay đổi về cơ chế và bổ sung nguồn lực. Trong đó, Quỹ Nghiên cứu lúa gạo quốc gia là ý tưởng được bà Trần Kim Liên hết sức ủng hộ.
Mục tiêu đề án là nâng cao thu nhập cho người nông dân, trong đó quan trọng làm thay đổi phương thức tổ chức sản xuất lúa gạo ở Việt Nam theo hình thức liên kết, quy mô lớn, quản lý chặt chẽ về mặt chất lượng, gắn với mô hình tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.
Với lộ trình cụ thể, quy hoạch vùng rõ ràng, bài bản, bắt đầu từ quy mô nhỏ, không ồ ạt, theo bà Trần Kim Liên, đề án hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều đổi mới trong nông nghiệp.
“Nếu thực hiện thành công đề án này tại 12 tỉnh ĐBSCL chúng ta sẽ có nền tảng để tổ chức lại toàn bộ mảng sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Khi đó, ngành hàng lúa gạo của chúng ta sẽ có những sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thế giới, đặc biệt là chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, giảm phát thải và tạo ra sự khác biệt cho lúa gạo Việt Nam”, Chủ tịch HĐQT Vinaseed nhấn mạnh.
Đề án cũng liên quan đến việc xây dựng và phát triển đồng bộ chuỗi ngành hàng lúa gạo bắt đầu từ giống, quy trình canh tác, công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch, bảo quản, xay xát, chế biến đến thị trường và xây dựng thương hiệu…; sự hỗ trợ của Nhà nước đối với công tác đào tạo nguồn lực, cơ giới hóa sản xuất và xúc tiến thương mại. Trên cơ sở áp dụng những giải pháp tổng thể như vậy, ngành hàng lúa gạo Việt Nam sẽ có được những sản phẩm chất lượng có sức cạnh tranh lớn trên thị trường toàn cầu và thu nhập cho người nông dân sẽ tăng lên.
Chia sẻ sâu hơn, Chủ tịch Vinaseed cho biết, doanh nghiệp đã có những bước chuẩn bị từ sớm để sẵn sàng tham gia vào đề án. Cụ thể, Tập đoàn đã tập trung vào hoạt động Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tạo ra được bộ giống chất lượng có khả năng chống chịu và thích nghi với biến đổi khí hậu để tham gia đề án, xây dựng các giải pháp phát triển bền vững lúa gạo và Tập đoàn đã ký biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Đồng Tháp, đó là động thái để đón đầu đề án với mục tiêu xây dựng 30.000 - 35.000 ha lúa chất lượng cao.
Trong Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam tổ chức tại Hậu Giang, Vinaseed cùng các đơn vị thành viên trong hệ sinh thái của PAN Group sẽ ký tiếp biên bản hợp tác 3 bên (Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam – Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam – Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền 2) hợp tác xây dựng và ứng dụng các giải pháp sản xuất lúa bền vững quy mô lớn với mục tiêu tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất và thu nhập cho nông dân và giảm phát khí thải. Xây dựng vùng sản xuất lúa gạo tập trung quy mô lớn trên cơ sở tham gia xây dựng chuỗi cung ứng lúa gạo trong đó nông dân là trung tâm.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam - Vinarice (thành viên của Vinaseed) cũng vừa được Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) đưa vào thành viên tham gia dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở ĐBSCL”.
“Có thể nói, với đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao này, các địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn nguồn lực và cách đi của mình để tham gia. Doanh nghiệp sẽ tham gia vào một chuỗi cung ứng toàn diện với giải pháp canh tác bền vững”, bà Liên chia sẻ.
Ví dụ, trong hợp tác với Bình Điền 2 và Greeneco, Vinaseed ứng dụng phân bón NPK phức hợp hữu cơ thế hệ mới (có sử dụng công nghệ NANOGYME) vào quy trình canh tác. Đây là loại phân bón giúp tiết kiệm chi phí, nhân lực và giảm phát thải với việc giảm 30% khối lượng sử dụng và chỉ cần bón 1 lần/vụ đối với lúa cấy, 2 lần/vụ với lúa sạ vì chậm phân hủy và giúp cải tạo thành phần cơ giới của đất.
Mô hình được triển khai thí điểm tại một loạt khu vực ở ĐBSCL ngay trong vụ đông xuân năm nay để đánh giá hiệu quả.
Ngoài song hành với các doanh nghiệp trong lĩnh vực lúa gạo, Vinaseed cùng các đơn vị thành viên như VFG, VNR cũng đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị nghiên cứu như Viện Lúa ĐBSCL, Đại học Cần Thơ để xây dựng quy trình và các giải pháp canh tác bền vững.
Với các ngân hàng, Vinaseed đẩy mạnh liên kết, đưa vào chuỗi liên kết theo hướng thông qua Vinaseed tài trợ tài chính sớm cho nông dân, hợp tác xã rồi sau đó Vinaseed bao tiêu sản phẩm đầu ra và có trách nhiệm thanh toán cho ngân hàng.
Ngay vụ đông xuân năm 2024, Vinaseed triển khai sản xuất gần 15.000ha lúa chất lượng cao gồm cả giống và lương thực thông qua các chuỗi liên kết bền vững tại 4 tỉnh trọng điểm lúa là Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang và Sóc Trăng.
Để thực hiện được mục tiêu này, Vinaseed tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực, cơ sở vật chất. Trước mắt, tỉnh Đồng Tháp đã ưu tiên cho Tập đoàn đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất lúa gạo tại huyện Tháp Mười.
“Điều này nằm trong tầm nhìn của Vinaseed để trở thành tập đoàn cung cấp giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững. Cách làm của Vinaseed là tìm người đi cùng nhau để khai thác được nguồn lực xã hội và thay đổi được phương thức tổ chức sản xuất và kinh doanh trong nông nghiệp”, người đứng đầu Vinaseed chia sẻ thêm.
Hướng đi mới này, được bà Liên đánh giá sẽ dẫn đến đổi mới mô hình kinh doanh, tránh được những xung đột truyền thống, giảm các khâu trung gian, đi thẳng đến các vùng sản xuất, các HTX. Đây là điểm ưu việt của đề án lúa giảm phát thải khi có được sự tham gia của nhiều tổ chức, không còn đơn lẻ.
“Cái chặt chẽ của đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là sự tham gia đồng bộ của các tổ chức, có quy hoạch vùng, chỉ đạo của hệ thống đảng, chính quyền và gắn doanh nghiệp với hợp tác xã theo từng địa bàn, từng chỉ dẫn địa lý, trong đó doanh nghiệp chủ động xây dựng giải pháp”, bà Trần Kim Liên chia sẻ thêm.
Theo bà Liên, đề án có lộ trình rất cụ thể, mục tiêu rất rõ ràng về quy mô, về canh tác bền vững, về tổ chức lại sản xuất. Chẳng hạn giai đoạn đầu chỉ có 180.000ha ở trên diện kế thừa dự án VnSAT để lại.
Như vậy, với quy mô vừa phải ở giai đoạn đầu để khẳng định sự chắc chắn của mô hình, từ đó có bài học nhân rộng. Ưu thế nữa của đề án là có hỗ trợ rất tích cực của các tổ chức quốc tế.
“Với đề án này, nếu tầm nhìn và đầu tư ngắn hạn thì chính doanh nghiệp sẽ mất sân chơi. Thế nên chúng tôi buộc phải xây dựng lộ trình ngay từ đầu cũng như xây dựng hình ảnh về một sản phẩm mới: gạo carbon thấp”, lãnh đạo của Vinaseed nhấn mạnh.
Để chinh phục được thị trường quốc tế, Chủ tịch Vinaseed Trần Kim Liên đưa ra hai yếu tố, đầu tiên là chất lượng hạt gạo, điều này có thể được đảm bảo, nhất là sau khi Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được phê duyệt. Yếu tố còn lại là sự minh bạch trong kinh doanh, đảm bảo cho hạt gạo Việt Nam có được uy tín trên thị trường.
Lúa gạo Việt Nam, mặc dù có năng suất, sản lượng cao hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác, tuy nhiên về chất lượng vẫn chưa thực sự được ổn định do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng. Nếu chỉ tập trung vào sản lượng, có thể sẽ mất đi năng lực cạnh tranh do giá không thể tăng mãi. Chủ tịch Vinaseed cho rằng, cần có một chiến lược mới, tập trung vào thị trường toàn cầu với giá cả cạnh tranh và chất lượng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.
Nếu chúng ta chỉ mãi tự hào, chạy theo sản lượng, năng suất thì sẽ có lúc gạo Việt Nam bị mất năng lực cạnh tranh, giá không thể cao được mãi.
Theo lãnh đạo Vinaseed, dưới góc độ một doanh nghiệp đã và đang tham gia vào thị trường toàn cầu, điều cần thiết là sản phẩm chất lượng ổn định với mức giá cạnh tranh. Và phải chứng minh cho thị trường toàn cầu thấy rõ sự khác biệt của hạt gạo Việt Nam.
Muốn duy trì và phát triển năng lực cạnh tranh, việc áp dụng khoa học công nghệ (KHCN) là không thể thiếu. Việc không có sự đổi mới trong lĩnh vực KHCN sẽ dẫn đến thiếu sản phẩm lúa gạo có chất lượng cao. Điều này là hết sức cần thiết khi thế giới ngày càng đặt ra những tiêu chuẩn cao về nông sản.
Để KHCN được áp dụng bài bản trên đồng ruộng, việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Nghiên cứu và Phát triển (R&D) trở nên ngày càng quan trọng. Áp dụng KHCN giúp giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng năng suất, và đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế.
Khi quá trình sản xuất lúa được tối ưu hóa, các giống lúa mới sẽ được sản xuất nhanh hơn, đưa ra thị trường sớm hơn, từ đó khẳng định thương hiệu cho doanh nghiệp.
Hợp tác quốc tế không chỉ giúp nắm bắt xu hướng mà còn mở ra cơ hội tiếp cận nguồn giống phong phú từ các tổ chức lớn trên thế giới.
“Để nâng cao sức cạnh tranh, doanh nghiệp cần tập trung đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng KHCN vào sản xuất kinh doanh, cần có nguồn gen tốt phục vụ cho nghiên cứu chọn tạo. Thông qua hợp tác quốc tế, Vinaseed đã tiếp cận được xu hướng nghiên cứu, hợp tác khai thác nguồn vật liệu tiên tiến và có thể khai thác quy tụ được các đặc tính tốt trong một giống theo mong muốn của thị trường nhanh nhất.
Vinaseed hiện đang hợp tác với các công ty ở Nhật Bản và Trung Quốc trong việc tạo ra giống lúa mới và việc tạo giống được rút ngắn chỉ trong khoảng 3 năm”, nữ lãnh đạo phân tích.
Bà cho rằng, Nhà nước và doanh nghiệp cần phải có sự hợp tác chặt chẽ để tạo tiền đề vững chắc cho lĩnh vực R&D. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng và tập trung đầu tư cho công nghệ sau thu hoạch nhằm giảm tổn thất và nâng cao chất lượng nông sản. Cũng nằm trong lộ trình phát triển giải pháp nông nghiệp bền vững, bà Trần Kim Liên đề cập đến việc ứng dụng công nghệ số vào quá trình quản lý và điều hành.
“Chúng tôi có những công nghệ theo dõi toàn bộ tiến độ sản xuất, toàn bộ các giải pháp theo dõi sâu bệnh, tạo ra những thay đổi rất căn bản trong chuỗi sản xuất”, Chủ tịch HĐQT Vinaseed thông tin.
Một trong những điểm nhấn đó là sẽ không còn khái niệm “phòng trừ sâu bệnh” nữa. Không phải phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng sâu bệnh, thay vào đó là sử dụng giống tốt, ứng dụng các giải pháp canh tác tiên tiến như sạ thưa, sạ cụm, hiệu ứng hàng biên, tưới ướt khô xen kẽ cùng với phân bón thế hệ mới tạo sức sống cho cây trồng, quản lý dịch hại tổng hợp để sử dụng có hiệu quả việc trừ sâu bệnh. Những giải pháp đồng bộ này không những giúp giảm chi phí mà còn tránh được ảnh hưởng đến môi trường.
Chúng ta liên kết sản xuất, có đối tác đi cùng nhau, ứng dụng các giải pháp canh tác bền vững, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm được chi phí là đảm bảo tăng thu nhập. Đó cũng là cách tiếp cận đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Chương trình phát triển lúa gạo bền vững tại Việt Nam đang được thúc đẩy thông qua "Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao”. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu lớn này, cần thiết lập một Quỹ Nghiên cứu lúa gạo Quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu.
Trao đổi, Chủ tịch Vinaseed cho rằng, thực tế các viện nghiên cứu ở Việt Nam đang gặp khó khăn về kinh phí và hạ tầng. Do đó, nếu thiết lập một quỹ nghiên cứu quốc gia để hỗ trợ các tổ chức, nhà khoa học nghiên cứu là cần thiết.
Hiện nay, tiến bộ khoa học công nghệ trên thế giới như vũ bão, do đó, cần có phương án tiếp cận mở để có thể tiếp cận được. Bà Liên ví dụ, Trung Quốc hiện đang tập trung nghiên cứu lúa lai chất lượng cao, vừa ngon vừa năng suất, giá lại cạnh tranh.
“Các viện của chúng ta cơ sở vật chất chưa tốt, đầu tư không đồng bộ, làm khoa học vẫn ngay ngáy cơm áo gạo tiền. Trong khi một viện nghiên cứu ở Phúc Kiến – Trung Quốc, tôi vừa có chuyến sang thăm sau 3 năm gián đoạn vì Covid-19, thấy họ đã đầu tư tương đương 700 tỷ VNĐ. Việc nghiên cứu hoàn toàn ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa để vận hành và quản lý. Tạo giống theo đơn đặt hàng và thời gian ra đời một giống lúa mới chỉ còn 3 năm”, bà Liên thông tin.
Điều này tạo ra áp lực cho Việt Nam, làm thế nào để có thể đưa ra được các loại gạo vừa thơm ngon, vừa năng suất thì mới có ưu thế về chất lượng và giá để xuất khẩu.
Các viện nghiên cứu tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều vướng mắc về cơ chế và nguồn lực, chưa có không gian để thực hiện đề tài có rủi ro. Với cơ chế hiện nay là viện phải tự chủ, bà Liên bày tỏ, cần có cơ chế cho các nhà khoa học làm những nghiên cứu cơ bản.
“Nếu nhà khoa học quá bận tâm lo cơm áo gạo tiền, thì không thể tâm huyết, không yên tâm gắn bó. Các nhà hoạch định chính sách cần hiểu thực tiễn ấy, tạo điều kiện cho nhà khoa học thực hiện đề tài. Dưới góc độ doanh nghiệp khoa học công nghệ, tôi thấy nên có ý tưởng như vậy.
Nghiên cứu khoa học hiện đại bắt buộc phải có tiềm lực, có đầu tư nâng cao năng lực. Như chúng tôi là một DN thiên về khoa học công nghệ, được phép để lại 10% lợi nhuận trước thuế tương đương mỗi năm 30 tỷ đồng cho nghiên cứu và phát triển và được sử dụng tới 5% doanh thu cho hoạt động này.
Hiện nay các doanh nghiệp nông nghiệp của Việt Nam đa phần quy mô nhỏ, kinh phí cho R&D rất hạn chế nên sẽ rất khó khăn. Phải có điều kiện và cơ chế thông thoáng để hợp tác quốc tế và nắm bắt xu hướng mới nhất của thế giới.
Phải nói các viện của chúng ta được cấp kinh phí rất hạn chế, đặc biệt cơ chế quản lý và sử dụng vốn ngân sách rất chặt chẽ, cơ chế cũng chưa thông thoáng để các viện có thể chủ động hợp tác khai thác nguồn vật liệu tiên tiến của thế giới (đào tạo, trao đổi và mua bán nguồn vật liệu…) trong hợp tác quốc tế cũng như khai thác được các nguồn gen tốt nhất.
Nếu không cẩn thận, có thể Việt Nam sẽ chảy máu chất xám. Một thế hệ nhà khoa học đầu ngành, khát khao với nghiên cứu, lăn lộn trên đồng ruộng, không còn nhiều. Họ không cần danh tiếng, tiền tài, mà chỉ mong muốn nhìn thấy những sáng kiến về giống của mình được hiện thực hóa, giúp ích cho xã hội”.
Lấy ví dụ từ những quốc gia có nền sản xuất lúa gạo khác, nơi các nhà khoa học được đầu tư rất bài bản, đồng bộ về hạ tầng nghiên cứu lại được hợp tác, nhận kinh phí và đặt hàng từ các doanh nghiệp, bà Liên cho rằng cần có sự thay đổi từ các nhà hoạch định chính sách.
“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ xây dựng một Quỹ Nghiên cứu lúa gạo Quốc gia. Quỹ này sẽ giúp ngành công nghiệp nông nghiệp Việt Nam có thể đứng ngang với các viện và trung tâm nghiên cứu quốc tế. Do đó, việc có một quỹ đủ mạnh để tiếp cận quốc tế, cả về xu hướng tiêu dùng và nguồn vật liệu giống, là hết sức quan trọng.
Mục tiêu của chúng ta là duy trì chất lượng gạo Việt Nam và vượt qua các quốc gia khác. Điều này đòi hỏi sự hỗ trợ và đồng lòng từ cả nhà nước và doanh nghiệp, cũng như sự đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển”, bà Liên bày tỏ.
Quỹ cần đủ mạnh để triển khai hợp tác quốc tế, nắm bắt xu hướng tiêu dùng của thế giới, tiếp cận các nguồn gen lớn và cơ sở hạ tầng để thực hiện nghiên cứu.
Quỹ này có thể gắn với các doanh nghiệp, gắn với thị trường và có thể các doanh nghiệp sẽ đóng góp tài chính vào quỹ, đổi lại là sự ưu tiên trong chuyển giao thành tựu nghiên cứu. Điều này không chỉ thúc đẩy sự sáng tạo trong nghiên cứu mà còn tạo ra những cơ chế mở để thu hút nguồn lực.
“Cần có sự song hành giữa đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp để sớm đưa các thành tựu khoa học vào thực tế”, bà Trần Kim Liên chia sẻ và khẳng định thêm, phương thức hợp tác này sẽ là nền tảng để nâng tầm cho lúa gạo Việt Nam.
Hiện nay, Vinaseed đã tham gia liên minh sản xuất lúa lai, liên minh sản xuất lúa thuần với Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) để có được dòng vật liệu triển vọng nhất đưa về nghiên cứu ứng dụng và khi thành công sẽ cùng nhau chia sẻ bản quyền. Việc này cũng cần có kinh phí đầu tư hàng năm với liên minh.
“Chỉ như thế chúng tôi mới hy vọng tạo ra được những giống lúa lai thơm phẩm cấp cao hay lúa thuần chất lượng ngon nhất vẫn đảm bảo năng suất cao, và xa hơn, nghiên cứu ra gạo dinh dưỡng, ngô dinh dưỡng, là xu hướng của thời đại”, bà Trần Kim Liên bày tỏ.
Nếu có thể ra đời, quỹ này có thể khắc phục được các khuyết điểm hiện tại, khi đó các nhà khoa học không phải lo những nhu cầu cơ bản mà hoàn toàn yên tâm nghiên cứu bằng những cơ chế mở để thu hút nguồn lực.
Ngoài ra, Nhà nước cũng có thể đứng ra, xây dựng các chương trình phù hợp, kêu gọi các nhà khoa học và đưa doanh nghiệp vào tham gia cùng, từ đó tạo ra đột phá trong nghiên cứu. Mặt hàng lúa gạo cần được ưu tiên để vươn tới quy mô như các nước lớn. Các viện cần được tiếp cận nhiều hơn trong hợp tác quốc tế, hoạt động gắn với thị trường, gạo sản xuất được thương mại hóa, tiêu thụ, bộ phận nghiên cứu cơ bản được nuôi đủ.
Theo: Tùng Đinh - Quỳnh Chi (Báo Nông Nghiệp)